Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình mà du khách đến với Cao Bằng còn được thưởng thức những nét văn hóa ẩm thực đầy màu sắc do chính bàn tay khéo léo của đồng bào vùng cao tạo nên; được khám phá, chiêm ngưỡng những bộ trang phục, những chiếc túi nhỏ xinh làm bằng vải thổ cẩm được nhuộm màu rực rỡ. Tất cả đều được chế biến, sản xuất từ cỏ cây, hoa lá từ núi rừng tự nhiên.
Ẩm thực độc đáo, đa màu sắc
Ẩm thực Cao Bằng là bức tranh đa màu sắc, thể hiện nét riêng về tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao với những sản vật gắn liền với điều kiện tự nhiên, đời sống và mùa vụ sản xuất của nơi đây. Những món ăn dân dã, bình dị nhưng vô cùng hấp dẫn được chế biến từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng tại địa phương, đảm bảo độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng và giữ nguyên hương vị tự nhiên.
Đầu tiên phải kế đến món xôi ngũ sắc. Xôi là món ăn truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Cao Băng, thường được làm trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay hay những ngày quan trọng của cộng đồng. Tuy nhiên, vào những dịp cưới xin đặc biệt là ngày Tết Thanh minh, đồng bào Cao Bằng lại làm xôi ngũ sắc từ cỏ cây, hoa lá của núi rừng như: Lá cẩm, lá sau sau, lá nếp, hoa boóc phón, gấc…
Bà Long Thị Thảo, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Để tạo nên các sắc màu rực rỡ cho xôi, những người phụ nữ vùng cao đã khéo léo sử dụng các loại lá cây, hoa quả có sẵn trong tự nhiên, như màu đỏ được làm từ quả gấc chín, lá cẩm đỏ; màu xanh từ lá gừng, lá nếp; màu vàng từ hoa boóc phón; màu tím từ lá cẩm tím; màu đen từ lá cây sau sau... Gạo nếp sau khi được vo sạch sẽ đem ngâm với nước các loại lá cây (đã được đun hoặc vắt, chắt lọc lấy nước). Mỗi một màu lá cây sẽ được ngâm riêng khoảng 1 - 3 giờ rồi vớt lên cho gạo ráo nước, sau đó mới đem vào đồ. Khi đồ cũng phải chú ý mỗi màu để vào góc riêng của chõ chứ không để lẫn. Khi xôi đồ chín bỏ ra, tùy từng gia đình, có nhà thì sẽ để từng bát, đĩa hoặc nắm vào từng nắm từng loại riêng, có nhà sau khi xôi chín đổ ra sẽ trộn đều các màu với nhau tạo nên "bức tranh cầu vồng" đẹp mắt, rồi mới lấy ra bát, đĩa để trưng bày hoặc cúng lễ.

Cùng với món xôi ngũ sắc, ngày nay những người phụ nữ vùng cao khéo léo, tinh tế còn chế biến ra món bánh dày, bánh trôi ngũ sắc cũng chính từ những hoa, lá, quả từ tự nhiên ấy. Hay món thạch đen thanh mát được làm từ cây tiên thảo hoặc cây sương sáo; thạch trắng hay còn gọi là thạch mác púp được làm từ hạt quả mác púp (tiếng Tày), một loại quả mọc tự nhiên trong rừng… Tất cả tạo nên những món ăn lạ miệng, thể hiện nét tinh hoa ẩm thực độc đáo của đồng bào vùng cao.
Rực rỡ thổ cẩm vùng non nước
Đến vùng Non nước Cao Bằng mùa xuân, du khách gần xa sẽ được hòa vào sắc màu của những trang phục thổ cẩm rực rỡ của các chị em dân tộc đi du xuân trẩy hội. Những sắc áo chàm của dân tộc Tày, Nùng; những chiếc váy áo hoa sặc sỡ của đồng bào Mông, Dao, Lô Lô… Cùng với đó du khách có thể thỏa sức lựa chọn cho mình những món quà ý nghĩa, độc đáo mang đậm sắc màu địa phương từ những sản phẩm lưu niệm được làm bằng tay.
Thổ cẩm của người Tày Cao Bằng nổi tiếng với màu sắc rực rỡ, đẹp và bền, đặc biệt là kỹ thuật tạo hoa văn thổ cẩm được tạo từ mặt trái của sản phẩm. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông, sợi tơ tằm. Công cụ của nghề dệt thổ cẩm truyền thống gồm: Khung dệt, khung thả chỉ, guồng quay sợi (gọn lót), kéo sợi (slóa), bộ gọ (khau thúc), lược hay bìa (vùm), con thoi, thẻ tạo hoa văn và "pan" dùng để luồn tách sợi theo thẻ.
Hoa văn thổ cẩm là một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc vùng cao. Để làm nên những trang phục thổ cẩm, những người phụ nữ vùng cao phải trồng bông, dệt vải, rồi nhuộm chàm hoặc thêu hoa văn, tất cả các khâu đó đều được làm tỉ mỉ bằng đôi bàn tay khéo léo của chị em.
Mỗi một dân tộc sẽ có cách tạo hoa văn độc đáo phù hợp với trang phục dân tộc. Tuy nhiên, thêu là kỹ thuật phổ biến ở các dân tộc. Với kỹ thuật thêu, người ta có thể tạo những đường cong tự nhiên. Phụ nữ có thể mang đồ đi theo và thêu ở bất cứ đâu ở nhà, trên nương, khi đi chợ, đi chơi. Các bé gái học thêu từ rất sớm và đến 12 - 13 tuổi đã thêu thành thạo. Ngoài ra, một số dân tộc như Dao, Mông, Lô Lô… còn có cách tạo hoa văn từ việc in sáp ong.
Những món ăn độc đáo, mỗi một sản phẩm làm từ vải thổ cẩm đều mang theo hơi thở của thiên nhiên và lưu giữ những giá trị văn hóa lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ của đồng bào vùng Non nước Cao Bằng. Tất cả tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của vùng đất Đông Bắc.