Người cao tuổi Trung Quốc đi du lịch để vui sống

Hàng triệu người già Trung Quốc dịch chuyển vùng sống theo mùa đang trở thành một xu hướng thịnh hành ở Trung Quốc.

Kết thúc sáu tháng trú ngụ ở thành phố Sanya (Tam Á) thuộc hòn đảo xinh đẹp Hải Nam ở cực Nam Trung Quốc, bà Zhang Guizhen (69 tuổi) và đức ông chồng của mình, ông Yang Yuhua, trở về Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của một tỉnh cực Bắc Trung Quốc, nơi mùa xuân “gõ cửa” vào cuối tháng 4.


Hải Nam là một hòn đảo xinh đẹp và được ví như Hawaii ở Trung Quốc. Ảnh: amolife.com

 Trong suốt 13 năm qua, bà Zhang đã quen thuộc với công việc bay đến Tam Á vào tháng 10 và quay trở lại Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang, vào tháng 5 để sum vầy bên con cháu, giống như “một con chim di cư”.

Hàng triệu người già Trung Quốc di chuyển giữa hai miền Nam, Bắc để có một cuộc sống vui vẻ, dễ chịu quanh năm đang trở thành một xu hướng thịnh hành ở Trung Quốc.

Bà Zhang tâm sự, bà tham gia một hội cao tuổi gồm 100 thành viên và hội này thường hay đi du lịch đến hòn đảo nhiệt đới Hải Nam để tận hưởng một mùa đông ấm áp, nơi nhiệt độ trung bình trên 20°C vào tháng 12.`

Bà Zhang đã phải chịu đựng không khí giá lạnh ở thành phố nơi bà đang sinh sống khi nhiệt độ thường xuống dưới -20°C vào mùa đông. Bệnh thấp khớp thường hành hạ bà vào mùa đông giá lạnh. Song với thời tiết ấm áp ở Sanya, hai đầu gối sưng tấy và cơn đau khớp của bà dường như biến mất.

Theo tổng kết của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hải Nam, số khách đến hòn đảo Hải Nam lưu trú vào mùa đông đã vượt ngưỡng 1 triệu khách, trong đó du khách đến từ miền Đông Bắc Trung Quốc chiếm đa số.

“Khoảng cách giữa Tam Á và Cáp Nhĩ Tân là trên 4000 km, song đối với tôi đó chỉ là một tấm vé máy bay”, ông Yang nói.

Cuộc sống về hưu của những du khách này được cân bằng nhờ thu nhập tăng, cơ sở hạ tầng được cải thiện và các phương tiện tốt hơn. Các công ty bất động sản địa phương ở Tam Á đã thiết kế những căn hộ dành riêng cho người cao tuổi có những trang thiết bị đặc biệt, như các nút bấm gọi khẩn cấp được kết nối với các dịch vụ y tế.

Việc thanh toán bảo hiểm y tế từ xa đã được triển khai nhiều năm nay, và nhờ đó khách lưu trú có thể tận hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế mọi nơi. Các công ty dược phẩm địa phương cũng dự trữ thuốc điều trị các bệnh phổ biến của người già như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp và viêm khớp...

Do nhu cầu đi lại giữa Cáp Nhĩ Lan và Tam Á của khách hàng tăng cao vào mùa hè và mùa đông, các công ty tour đã thuê các chuyến tàu đặc biệt chở khách chạy giữa hai miền Bắc - Nam vào tháng 11 và tháng 4 hàng năm

Mùa hè chưa đến song Nhà khách Người Cao tuổi Yinquan với tổng số phòng trọ là 100 ở Hắc Hà, Hắc Long Giang hiện nay đã được đặt kín hết cho các tháng hè, Wang Wenlan, người quản lý nhà khách này chia sẻ.

Theo số liệu của Cục Dân sự Hắc Long Giang, đã có 2,05 triệu khách lưu trú qua đêm tại địa phương này vào năm 2017, đem lại nguồn thu lên tới 14,35 tỉ NDT (tương đương khoảng 2,27 tỉ USD).

Wang Yalin, Giáo sư bộ môn Xã hội học thuộc Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nhận định: “Lượng khách du lịch tăng như vậy cho thấy sự thay đổi xã hội về truyền thống văn hoá gắn bó với mảnh đất quê hương trước đây. Đây là một xu hướng tất yếu ở Trung Quốc khi người dân dịch chuyển từ các thành phố công nghiệp lạnh lẽo đến những nơi nắng ấm, một hiện tượng đã từng diễn ra ở Mỹ vào các thập niên 1950 và 1960.”

Phó Viện trưởng Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang, Wang Aili, cho hay việc chuyển vùng sống định kỳ của người cao tuổi Trung Quốc phản ánh cuộc kiếm tìm cuộc sống tốt hơn của người già Trung Quốc và những yếu tố này góp phần kích thích tiêu thụ, tăng trưởng kinh tế và giao lưu văn hoá vùng.

“Cuộc sống của tôi hiện đang tốt nhất có thể và vì thế tôi không lo sợ tuổi già”, bà Zhang nói./.

CTV Xuân Hương/VOV.VNTheo Tân Hoa xã