Nhạc sĩ Phạm Tuyên - Người chép sử bằng âm nhạc

Nhạc sĩ Phạm Tuyên có một sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 700 ca khúc, trong đó có nhiều bài hát đã đi vào trái tim hàng triệu khán thính giả.

Ngày 14/1 tới sẽ diễn ra đêm nhạc “Phạm Tuyên – Nhớ và quên” nhân dịp sinh nhật lần thứ 88 của nhạc sĩ, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Đêm nhạc nhằm tôn vinh sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 700 ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên - “người chép sử bằng âm nhạc” qua những giai điệu đã đi vào trái tim hàng triệu khán thính giả Việt Nam.

Phóng viên VOV có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên về đêm nhạc đặc biệt này:

nhac si pham tuyen nguoi chep su bang am nhac hinh 1
Nhạc sĩ Phạm Tuyên

PV: Đêm nhạc “Phạm Tuyên - Nhớ và Quên” diễn ra vào ngày 14/1 tới đây là một sự kiện đặc biệt vì đây là lần đầu tiên ông tự làm một đêm nhạc riêng. Nhạc sĩ có cảm xúc như thế nào về món quà sinh nhật tuổi 88 này?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Cho tới nay, có tới hơn chục chương trình về nhạc của tôi do các đơn vị khác đứng ra tổ chức. Đó là sự ghi nhận của đời sống đối với các tác phẩm của mình. Còn đây là lần đầu tiên, gia đình đứng ra tổ chức cho tôi.

Con tôi nói là năm bố 77 tuổi thì Hội Âm nhạc Hà Nội, UBND TP. Hà Nội tổ chức 1 chương trình ý nghĩa với cái tên rất hay là “Những cung bậc thời gian”. Đến nay 88 tuổi, các con tôi phối hợp với các đạo diễn làm đêm nhạc với mảng đề tài ghi lại dấu ấn của tôi với thiếu nhi, người lớn, từ người già đến trẻ con. Tôi rất vui và cảm động. Tuy nhiên, các con cũng giấu tôi về nội dung chương trình, có những tác phẩm hôm đó mới biết, mới xuất hiện. Tôi mong có đủ sức khỏe để dự chương trình.

PV: Theo Đạo diễn Phạm Hoài Nam, “Phạm Tuyên - Nhớ và Quên” là đêm nhạc của nhiều thế hệ. Những bài hát thiếu nhi, những ca khúc cách mạng, những bản tình ca sẽ được lồng ghép uyển chuyển, xâu chuỗi cảm xúc của khán giả. Đặc biệt, mảng ca khúc “những nốt nhạc từ trái tim” sẽ hé lộ những sáng tác viết về tình yêu – bí mật sâu kín trong con người nghệ sĩ của ông mà phần đông chúng ta chưa được biết?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Sự thực mà nói, nếu không có tình yêu chân thật thì cũng khó có được tác phẩm. Có người nói là tôi chỉ viết toàn đề tài chính luận, nhưng không phải đâu. Khi con tôi và các bạn lục các danh mục, xem sổ sáng tác viết tay của tôi thì thấy không ít tác phẩm viết về tình yêu.

Khi nhắc đến tên những tác phẩm ấy thì họ đều hỏi là có phải ông viết cho bà ấy không? Tôi nói là trong tất cả các tác phẩm, dù tôi phổ thơ của các nhà thơ nữ thì đều có hình bóng vợ tôi trong đó. Tôi chỉ nghĩ là chừng nào người viết còn có tình cảm chân thật thì nó sẽ động đến trái tim của mọi người và sẽ có sự đồng cảm, sự cộng hưởng nhất định. Đó là điều tôi rút ra trong kinh nghiệm cuộc sống của mình.

PV: Vậy tại sao tên của đêm nhạc lại là “Phạm Tuyên - Nhớ và Quên”? Có ẩn ý gì ở đây không thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Nỗi nhớ và quên này là tình cảm của một người đã trải qua những năm chiến tranh. Trong những gian khổ ấy, có những điều không thể quên được và có những điều buộc phải vượt qua mà phấn đấu lên. Đó là tình cảm của 1 thế hệ đã đi qua mấy cuộc kháng chiến và vẫn mang khát vọng tương lai của đất nước, trong đó có khát vọng của chính mình. Các con và mọi người cũng nói cái tên này mang nhiều ý nghĩa lắm, nhất là đối với những người lớn tuổi. Đây cũng là tên một sáng tác của tôi, phổ thơ của nhà thơ Hoàng Minh Châu.

PV: Có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ với hơn 700 ca khúc, nhạc sĩ nghĩ như thế nào khi được mệnh danh là “người chép sử bằng âm nhạc?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi nghĩ là, phần thưởng lớn nhất của tác giả là bài hát, tác phẩm của mình có chỗ đứng trong kỷ niệm, trong sự ghi nhớ của đời sống. Xin kể 1 chuyện rất nhỏ thế này thôi. Cách đây 2 năm, Trung tâm kỷ lục Việt Nam có người đến xác minh và ghi nhận tôi sáng tác nhiều bài hát của thiếu nhi. Họ cũng phải mất nhiều công, nhiều sức khiến tôi cảm động. Đây là phần thưởng mà đời sống ghi nhận những tác phẩm của mình. Còn nói riêng về tôi, mỗi tác giả có những xúc cảm riêng với mỗi bài hát nên nếu tự nói về mình thì cũng khá chủ quan. Có bài báo viết là một số tác phẩm của tôi là biên niên sử bằng âm nhạc.

PV: Những ca khúc cách mạng của ông đã đi cùng năm tháng, đi vào trái tim hàng triệu khán thính giả Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhiệm vụ chính trị gắn với sứ mệnh của người nhạc sĩ?

Nhạc sĩ Phạm Tuyên: Tôi nói đấy là ý kiến của các bạn, còn tôi thì tôi chỉ cám ơn môi trường đã tạo cho tôi những xúc cảm chân thành, phù hợp với mọi người. Môi trường đó là báo chí đấy. Tôi công tác 1 rất thời gian dài ở Đài TNVN, sau đó là Đài THVN. Tôi nghĩ chính môi trường ấy tạo điều kiện để tôi theo dõi từng ngày các bước phát triển của đất nước qua 2 cuộc chiến tranh. Nếu không sống trong 1 môi trường luôn gắn với thời sự của đất nước thì cũng không thể nào có những xúc cảm mãnh liệt như thế. Có những bài viết, có những tác phẩm khi được truyền tải qua làn sóng của Đài TNVN thì nó có sự cộng hưởng của đời sống rất nhiều.

Hiện nay, tuy tuổi đã lớn nhưng mà rất nhiều đoàn thể cứ đến ngày kỷ niệm, ngày truyền thống của các nơi đều mời tôi viết tác phẩm, từ vùng mỏ đến các chiến sĩ công an… Những cái đó khi viết, hoàn toàn tôi dùng 1 chữ là theo đơn đặt hàng của trái tim.

PV: Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Tuyên về cuộc trò chuyện!/.

Lê Thu/VOV1